Ở Pascal con thực sự hạnh phúc!
Các thầy cô giáo, các bạn học sinh cùng đọc bài viết cảm động của cựu Paser Hà gia Khánh nhé!
Sáng nay mình học năm tiết trên trường. Buổi trưa định tranh thủ về trường nhưng buổi chiều mình lại phải học tăng cường và đi học thêm. Lúc này, câu hỏi “Chọn con tim hay là nghe lý trí?” bắt đầu phát huy tác dụng. Và cuối cùng, mình đã chọn nghe theo lý trí nhưng mình vẫn có cảm giác man mác tiếc nuối vì không thể về trường. Lâu lắm rồi mình cũng không về thăm Pascal-nơi đã tạo nên mình ngày hôm nay. Khi lên cấp 3, mình nhìn những người bạn ở đây thì mình mới hiểu được rằng mình đã rất may mắn khi có người dẫn đường đúng đắn.
Năm lớp 9, mình có duyên học với thầy Khôi. Ngày ấy, thầy bước vào lớp với những câu chuyện, những bài học. Thực sự, mình đã rất may mắn khi được thầy định hình tư tưởng, suy nghĩ sau này. Đối với mình, thầy không chỉ đơn thuần là giáo viên dạy Văn. Thầy là một người bạn, là fan MU, là người yêu cái “đẹp”. Học Văn của thầy không chỉ dừng lại ở viết văn, ở điền khuyết mà ẩn trong đó còn là bài học để giúp con người khai sáng tâm hồn. Đúng như Thạch Lam từng viết: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên lãng. Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.”
Chúng ta gặp nhau trong cuộc sống này đều được bắt đầu bằng “duyên số”. Vào thời điểm 6 năm trước, tôi cũng không thể ngờ được cái khoảnh khắc cô Hải phát cho tôi tờ giấy giới thiệu về trường Pascal là lúc tôi tìm thấy người giáo viên tuyệt vời của cuộc đời mình . Tôi được trải nghiệm làm dự án Lịch sử lần đầu tiên vào năm lớp 6 khi cùng cô viết bài luận về “Chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng”. Có lẽ, đó là giây phút tôi yêu Lịch sử. Tôi bắt đầu thích đọc những câu chuyện liên quan đến lịch sử, xem những bộ phim tài liệu. Vào giờ học của cô, tôi không phải ghi chép nhiều. Thay vào đó, tôi được làm dự án, thuyết trình, quay video lịch sử, làm thơ,…Những điều đó khiến tôi nhận ra rằng lịch sử không quan trọng bạn nhớ được bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu dấu mốc. Học lịch sử giúp ta hiểu được rằng ông cha ta đã hi sinh xương máu để đổi lấy hòa bình của ngày nay. Chính vì vậy, ta phải sống một cuộc đời đáng sống để xứng đáng với sự hi sinh đó.
Và cuối cùng, hai nhà giáo có động mạnh mẽ nhất đến suy nghĩ, hành động của cô là cô Tú và thầy Diện. Mỗi lần tôi về Pascal là chắc chắn tôi và cô Tú sẽ cùng chụp ảnh. Sau đó, hai cô trò lại cùng đăng lên Facebook. Lúc đó, tôi vô cùng hạnh phúc khi mà tôi ra trường rồi mà vẫn được chào đón bởi sự niềm nở của cô Tú. Tôi vẫn còn nhớ bài học về “Niềm Tin” hay những cuốn sách mà tôi được mượn/tặng từ cô như: “Lược sử loài người”; “Phát triển năng lực trong môn Lịch sử”; “Hack não 1500 từ vựng”. Tôi cảm thấy trân trọng từng món quà đó.
Lần cuối tôi nhìn thấy thầy Diện đứng ở phòng bảo vệ để vẫy tay chào tôi cũng là ngày cuối cùng tôi còn học ở Pascal. Sự giản dị của thầy đã tác động đến con người tôi. Thầy giản dị trong mặc, trong hành động, trong lời nói. Đó là điều mà tôi luôn ấn tượng về thầy. Bây giờ, tôi cũng đang học theo thầy. Tôi sống đơn giản, nhẹ nhàng và yêu thích công việc mình làm để cảm thấy ngày nào cũng là ngày lễ. Thậm chí, có nhiều đứa bạn của tôi từng nói: “Sao nhìn mày giống thầy Diện thế?”
Tất cả những người thầy vĩ đại của tôi họ đều có một điểm chung là sống cống hiến. Họ nhiệt huyết với nghề vì sự tiến bộ của từng học sinh. Họ muốn học sinh của mình phát triển từng ngày. Và những điều ấy được bắt nguồn từ chính lòng yêu thương của họ đối với từng học sinh. Ngồi trong căn phòng để viết status này làm tôi cảm thấy có cái gì đó rưng rưng. Tôi nhớ cảm giác ấm áp lúc bắt tay với thầy Diện, nhớ “cải lương” của thầy Khôi, nhớ sự nhiệt huyết của cô Hải, nhớ sự chuyên nghiệp của cô Tú. “Hạnh phúc không phải là đích đến, mà là một cuộc hành trình”. Và con thực sự hạnh phúc với hành trình 4 năm tại Pascal.
Chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam.