https://pascal.edu.vn/wp-content/uploads/2021/06/BANNER-4-03.jpg

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM ĐÁP ÁN

“Hạnh phúc thực sự là gì?”
(Tác giả: Dương Trần Hải Bình – cựu học sinh lớp 9B Khoá 8 )
….
Xin mời Quý bạn đọc đến với bài viết số 30 của “Pascal trong tôi” (mùa thứ tư) để cùng bạn Hải Bình, một học sinh Khối 9 vừa ra trường cảm nhận những suy nghĩ, tình cảm của mình trong quãng thời gian học ở Pascal nhé!
Một hành trình thú vị để đi tìm đáp án cho câu hỏi “Hạnh phúc thật sự là gì?”, một quá trình nỗ lực, thay đổi để đạt được ước mơ thật đáng trân trọng phải không ạ?
Thời gian đúng là chẳng chờ một ai!
Thấm thoát đã bốn năm trôi qua
Trong chuyến hành trình đó tôi đã đến một nơi
Gặp được những con người vô cùng đặc biệt
Những người giúp tôi tìm ra câu trả lời:
“HẠNH PHÚC THẬT SỰ LÀ GÌ?”
Vậy họ là ai? Và hạnh phúc với tôi thật sự là gì?
CHƯƠNG I: CÂU CHUYỆN VỀ HÀNH TRÌNH ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Câu chuyện bắt đầu như thế: đó là vào cuối tháng 5 năm 2017 một ngày trời trong xanh mát lành, ánh nắng chói chang của mùa hạ đã khép lại, để nhường chỗ cho cái nắng vàng hoe của thu sang, ngày mà gió thu mát rượi, nhè nhẹ thổi mang theo hương lúa nếp, hương cốm từ các cánh đồng quê, lá vàng bay vào khung cửa sổ, giàn trầu lại xanh trước ngõ hay hòa quyện vào những làn hương ổi ngào ngạt, thứ mà trong cảm nhận của tôi hay bất cứ người dân Hà Nội nào đều coi đó chính là đặc trưng của mùa thu. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng kể khi người bạn của tôi – Khôi Nguyên – một cậu bạn có dáng người thon thả, với mái tóc óng ả, ửng vàng (nhưng tránh hiểu hiểu nhầm là nhuộm tóc bởi lẽ cậu bạn này đi chơi với tôi quá nhiều nên tóc đã bị cháy nắng) nói chuyện với tôi… Sau một trận đi đá bóng về, trên con đường làng quen thuộc, trên chiếc xe đạp đã tróc sơn với những thứ mà bất cứ thế hệ học sinh của chúng tôi khi ở làng quê đều biết nó, mang tên phân trâu… Nói ra thì có vẻ hơi thô nhưng tôi nghĩ rằng càng những thứ giản dị, chân thực thì sẽ càng mang lại cho con người ta được những giá trị tốt đẹp thật sự.
Mà thôi quay lại vấn đề chính nhé! Đến đâu rồi nhỉ? À nhớ rồi trên con đường làng dài và hẹp cậu bạn Khôi Nguyên đã hỏi tôi một câu khiến bản thân tôi phải “khắc cốt ghi tâm” đến mãi tận bây giờ:
– Ê mày? Hạnh phúc là gì?
Lúc đó cảm xúc của tôi thay đổi một cách chóng mặt bởi lẽ một cậu học sinh lớp 5 như tôi lúc đấy chỉ nghĩ đến ăn, chơi, chứ chưa hề nghĩ đến chuyện hai chữ “hạnh phúc” là gì. Sau câu nói đó, tôi dường như không cười đùa với cậu bạn ấy nữa mà tập trung đăm chiêu vào suy nghĩ để tìm ra đáp án cho riêng mình. Tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ đến nỗi mà bản thân suýt gây ra tai nạn (quá là nguy hiểm). Về đến nhà, tôi liền lao vào phòng, đóng sầm cửa lại nằm vật vã xuống giường, vắt tay lên trán, nằm trằn trọc suy nghĩ: “Ê Bin! Hạnh phúc là gì mày?” tôi tự chất vấn bản thân. Nghĩ đến đây tôi chạy vèo xuống bếp hỏi mẹ:
– Mẹ ơi! Hạnh phúc là gì?
Mẹ tôi đáp:
– Nếu con muốn biết câu trả lời thì thay vì thời gian con giải trí (nói thẳng ra là chơi game, xem tivi), thì con hãy tự đi tìm đi!
Sau câu trả lời này tôi như chìm đắm trong sự suy tư, tôi không trả lời mà cứ thế tìm cho mình một chỗ nào đó để an tọa và suy nghĩ. Mọi việc sau đó cứ diễn ra theo một trình tự đã được sắp đặt trước: tôi ăn tối, xem tivi, đánh răng, rửa mặt, sau đó lên giường cùng với con gấu to siu to khổng lồ đi ngủ. Sáng hôm sau, thay vì ngủ nướng đến 10h00, tôi đã dậy sớm hơn mọi khi, cụ thể là 6h00, làm hết xong vệ sinh cá nhân sau đó bước chân ra ngoài cổng để với một quyết tâm tìm cho ra bằng được đáp án cho câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”
Tôi lang thang khắp các ngóc ngách trong phố, sau đó lượn vài vòng vào chợ, tiếp đó là tạt ngang tạt dọc vào các khu vui chơi chỗ tôi, cuối cùng là ra ga tàu – nơi mà ông Lộc – người ông mà tôi coi như là ông ruột hay dẫn tôi ra đây chơi vào mỗi buổi chiều. Nhưng đối với tôi hiện tại ga tàu sẽ thật sự hạnh phúc nếu như có ông đi chơi cùng, còn bây giờ nơi chỉ đọng lại toàn những kỉ niệm, những thứ đối với tôi sẽ không bao giờ quay lại được nữa (dù chỉ 1 lần). Cuối cùng tôi lại trở về nhà với câu trả lời đầy nỗi buồn “Không có gì!”. Kết quả là ngày qua ngày, tôi vẫn lặp đi lặp lại, cứ lang thang rồi lại về nhà trong vô vọng.
CHƯƠNG II: NƠI KHỞI NGUỒN CỦA QUÁ TRÌNH ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Rồi đến một ngày, lúc mà tôi định bỏ cuộc, thì một tia hi vọng lại được thắp sáng lên. Bố mẹ cầm về cho tôi một tờ giấy đăng kí tham gia CLB hè mang tên “Em yêu trường Pascal”. Nói thật lúc đầu tôi cũng chả có hứng thú gì đâu, nhưng tôi nghĩ rằng thôi “Có công mài sắt có ngày nên kim. Cố lên Bin!”. Nghĩ đến đây, tôi gạt phăng những suy nghĩ tiêu cực trước đó ra khỏi đầu để chuẩn bị hành trang nhập học cũng như là đi tìm đáp án cho câu hỏi mà tôi đã băn khoan suốt mấy ngày nay. Rồi cái ngày nhập học cũng đến, (cụ thể thì tôi cũng không nhớ rõ nữa). Hôm đấy tôi dậy sớm lắm, 5h00. Vệ sinh cá nhân xong, tôi ba chân bốn cẳng chạy đi tìm cho mình một bộ quần áo thật đẹp để đi học. Nhưng kết quả thì ngoài mong đợi, một bộ quần áo vô cùng “PHÈN” đã được khoác lên người, một chiếc áo sơ mi hồng gì đó với cái quần bò cùng với một đôi giầy. Đọc đến đây nhiều bạn nghĩ: “Phèn, lịch lãm mà!” thì đúng rồi, các bạn chưa được tận mắt thấy đâu, các bạn mà nhìn thấy chắc cười lộn ruột, xỉu up xỉu down thôi.
Quay lại câu chuyện, tôi cùng với mẹ đi ra đầu làng để đợi xe ô tô đến đón. Khi xe đến thì tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ, trời ơi cái xe thì to gì đâu, chả bù cho cái thân bé tí của tôi lúc đó, bất ngờ hơn là khi tôi bước lên xe, nội thất bên trong thì khỏi nói: “sang xịn mịn” đến lạ kì. Lúc này chả biết có bạn học sinh nào nghĩ giống tôi không: “Xe to xe xịn như thế này thì trường chắc cũng phải tỉ lệ thuận theo nhỉ?”. Nhưng “Ối dồi ôi!”, sai rồi các bạn ơi, vừa đến nơi khung cảnh trước mắt tôi chỉ là chữ “xịn” còn cái chữ “to” í hả, chắc là nó bay mất trong quá trình tôi đi đến đây rồi. Tôi tự an ủi mình nhưng nói thế thôi chứ lúc đấy tôi thất vọng lắm, nói chung là “CAY”. Mà thôi “Cay thì cũng đã cay rồi, cứ ngồi đây mà cay mãi thì trường cũng có to lên được đâu”. Nghĩ vậy, tôi vội vàng lao xuống xe chạy thẳng vào trường tìm lớp học của mình.
Loay hoay một hồi lâu, không tìm thấy lớp học đâu cả, bởi lẽ đây là lần đầu tôi đến trường nên chẳng khác gì như một người thợ lặn đang mò kim dưới đáy biển vậy. Cứ như vậy 15 phút trôi qua một cách vô vị, thì đúng lúc này một bà tiên xuất hiện và giúp tôi, bà tiên ấy không ai khác mang tên Nguyễn Hoàng Bình An – một cô giáo có dáng hình khiêm tốn, đôi mắt hiền từ cùng mái tóc tơ hung đen, với đôi bàn tay bé xíu, cô cất một giọng nói vô cùng trầm ấm (Lưu ý: Đây là lần đầu gặp thôi nhé, còn qua thời gian sống với tôi, cô giáo năm ấy hóa thành gì thì sau này các bạn sẽ rõ):
– Chào con, con học lớp nào vậy? Cô có thể giúp con chứ?
Tôi ngẩng đầu lên và đáp:
– Con cảm ơn cô ạ!
Cứ thế cô dẫn tôi vào lớp 6E – tập thể đầu tiên mà chúng tôi coi là gia đình khi ở Pascal. Khi vừa mới bước vào lớp, mọi sự hoài nghi của tôi về trường lúc đó dường như đã được xóa bỏ. Một lớp học khang trang với một chiếc TV mới toanh cùng những chiếc bàn với lớp sơn màu vàng toát lên sự sang trọng của nó vậy. Cái mà tôi thích nhất về vật chất là ở đây có 2 cái điều hòa, bởi lẽ suốt 5 năm khi ở cấp 1 tôi đã không biết được mùi điều hòa là gì. Chưa dừng lại ở đó, tôi chưa kịp hết bất ngờ này, thì bất ngờ khác đã đến, cô tiên tên Nguyễn Hoàng Bình An như tôi đã nhắc ở trên một lần nữa lại xuất hiện cùng với cô Nguyễn Thị Việt Hà bước vào lớp giới thiệu:
– Xin chào các con! Cô là giáo viên chủ nhiệm lớp mình.
Sau khi cô giới thiệu xong, cả lớp vỗ tay ào ào còn tôi thì khác. Tôi không vỗ tay mà đơn thuần chỉ nghĩ trong đầu: “Duyên phận là có thật!”. Đợi các cô giới thiệu xong thì đến lượt chúng tôi cũng vậy. Từng bạn lên giới thiệu một, có bạn thì rụt rè, có bạn thì nửa rụt rè, nửa anh hùng, còn có bạn thì khỏi nói rồi, siêu anh hùng luôn. Chắc lúc này các bạn đang thắc mắc tôi thuộc nhóm nào đúng không? Tôi á! Đương nhiên là nhóm siêu anh hùng rồi, tôi giới thiệu một các tự tin, rõ ràng, rành mạch, không có chút gì gọi là ngại ngùng cả.
Xong xuôi công việc làm quen thì chúng tôi bắt đầu vào từng tiết học thôi, nhưng cách học ở đây hoàn toàn đặc biệt so với những cách học khô khan mà trước đây tôi đã từng biết (đây chỉ là cảm nhận của tôi chứ không hề đang đá đểu bất cứ một ngôi trường nào). Cách học ở đây lạ lắm: thay vì các thầy cô giảng từ đầu đến cuối thì học sinh hoàn toàn có thể làm những điều tưởng chừng như là không thể. Không những thế học sinh có thể giơ tay phát biểu một cách thoải mái, đầy tự tin mà không hề sợ sệt (nhưng tránh hiểu lầm là cách học không có tổ chức như cái chợ, ngược lại nó rất nghiêm túc, quy củ). Chưa hết đâu nhé, buổi trưa hôm đó là một buổi trưa đáng nhớ với tôi, đáng nhớ vì cái ngày đó mất điện nhưng mất điện thì có gì để nhớ? Cái mà tôi nhớ ở đây là cái khoảnh khắc Cô An cầm cuốn vở lên và quạt cho tôi. Lúc đó á, tôi xúc động lắm, tôi dường như muốn khóc lên bởi lẽ tại sao cô lại quan tâm tôi đến như vậy, một người chỉ mới lần đầu gặp, nếu không ngoa khì gọi là người dưng.
Đang xúc động vô bờ bến, xúc động một cách tăng giần theo thời gian, thì đùng một cái, cô dừng quạt và nói:
– Cô mỏi tay rồi!
Nhưng mấy ai biết rằng thời gian mà cô quạt được cho tôi không chỉ là 3 phút, bởi cô sẽ còn phải quạt cho những bạn khác nữa. Lớp đâu chỉ có mình tôi, nhưng chừng đó thôi đã là quá đủ để tôi hiểu được phần nào sự yêu thương mà cô dành cho tôi suốt 3 phút qua. Nghĩ lại đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy xúc động lắm. Chính những điều vô cùng nhỏ bé, giản dị đó thôi đã khiến tôi cảm thấy có chút gì đó gọi là “hạnh phúc” trong lòng, thứ mà lâu lắm rồi tôi mới được cảm nhận lại. Và cứ như vậy tôi cảm nhận quãng thời gian hạnh phúc trong vỏn vẹn 14 ngày ngắn ngủi cùng với các thành viên gia đình 6E.
Ơ chết quên, một nhân vật mà tôi cũng khá là ấn tượng bạn Huyền – một cô bạn xinh xắn ngoan, hiền hay không thì không biết. Hôm đấy tôi không nhớ rõ là mình đã tranh chấp với bạn ấy cái gì để rồi Cô An phạt tôi và phải xin lỗi bạn ấy nữa. (Nói chung là hôm đấy nghĩ lại tôi sai thật). Nói thật chứ lúc ấy tôi xấu hổ lắm và nói thẳng ra là RẤT LÀ QUÊ!
CHƯƠNG III : HẠNH PHÚC BẮT ĐẦU TỪ ĐÂY
Dừng lại ở đó, vèo cái thời gian mà tôi phải đối mặt với cuộc thi khảo sát đầu vào của trường cũng đến. Hôm đấy tôi thi vào buổi sáng, 3 môn Toán, Văn, Anh. Ngày đó, tôi rất tự tin, điềm tĩnh cùng với một vẻ mặt không mấy đẹp trai bước vào phòng thi. Thời gian làm bài là 60 phút, nhưng trời xui đất khiến thế nào khiến tôi chỉ làm bài trong vỏn vẹn 30 phút, còn 30 phút còn lại tôi đi ngủ. Thi xong tôi lên xe rồi quay trở về nhà đợi trong vòng 1 tuần gì đó thì có kết quả. Khi có điểm tôi biết là mình đã thi đỗ vào trường và càng hạnh phúc hơn khi nghe tin cô An chính là giáo viên chủ nhiệm của tôi.
Lúc đấy á, khỏi phải nói đi, tôi vui sướng vô cùng rồi la hét ầm nhà, tôi như tự biến mình thành một chú vượn tí hon chạy nhảy khắp nơi, từ chỗ này sang chỗ khác khiến chiếc IPAD trên tay tôi văng xuống đất và suýt vỡ màn hình. Ngay sau hôm đó, tôi đã được bố mẹ dẫn đi mua quần áo sách vở, đồ dùng học tập để phục vụ quá trình học tập năm lớp 6 tại trường.
Và rồi ngày nhập học cũng đến, đó là vào một ngày trời xanh mây, trắng nắng, vàng (nghe giống thơ nhỉ nhưng nó khá là đúng với thời tiết lúc đó). Hôm đấy tôi dậy lúc 6h00 làm những thứ bình thường tôi vẫn hay làm và đi nhập học thôi. Khi vừa xuống xe, không bỡ ngỡ như mấy lần trước, tôi đã biết cách nhìn vào sơ đồ trước phòng bác Yên – bác bảo vệ an ninh cho trường tôi và sau một hồi định hình và bất động, tôi đã tìm được cho mình lớp học và vào đó cất sách vở. Sau đó, đương nhiên là Khai giảng thôi. Các bạn không biết đâu, nói là nắng vàng, chứ thật ra là cái nắng bỏng rát ấy chứ. Ngồi dưới sân trường suốt hai tiếng đồng hồ liên tục, nghe các thầy cô đọc các bài diễn văn dài dằng dặc khiến bản thân tôi lúc đó cảm thấy chản nản và không mấy hứng thú với những điều đó. Và cuối cùng sau hai tiếng mệt mỏi, cuối cùng tôi cũng được lên lớp và được trải nghiệm, nơi mà đối với tôi lúc đó coi là thiên đường, bởi lẽ dưới cái ánh nắng gay gắt thì những làn gió mát lạnh của điều hòa đã làm tôi cảm thấy sung sướng và thỏa mãn lắm rồi.
Đấy các bạn thấy chưa, chính những điều nhỏ nhất đã làm tôi hạnh phúc lắm, chứ đừng nói đến những điều to tát sau này mà Pascal làm cho tôi. Và cứ thế tôi đã nhập học như vậy một cách yên bình, đầy vui vẻ và hạnh phúc!
Nhưng rồi cho đến một ngày, tôi đã phạm một lỗi tày trời cộng với cái tôi cá nhân của tôi quá cao (quá cứng đầu không chịu nhận ra lỗi sai của mình) đã khiến cô An và các bạn đã cảm thấy vô cùng bực tức, khó chịu để rồi mở ra một cuộc họp với nội dung: “Đi hay ở lại?”. Cuộc họp được diễn ra trong một không khí vô cùng căng thẳng, đầy rẫy sự im lặng đến đáng sợ. Những âm thanh lúc này mà chúng tôi nghe và nhìn được đơn giản chỉ là hơi thở nhẹ nhàng và những cặp mặt nhìn nhau trong vô thức.
Mở đầu cuộc họp cô An đã hỏi mọi người rằng:
– Có ai muốn tha thứ cho bạn Hải Bình (tôi) không?
Câu hỏi vừa dứt lời, không có bất cứ cánh tay nào được giơ lên, lúc đó tôi sợ lắm, sợ vì bị đuổi học hay thậm chí xa hơn là sợ bị ba mẹ đánh. Lần thứ 2 cô hỏi:
– Có ai muốn tha thứ cho bạn ấy không?
Lúc này cũng chỉ loáng thoáng mấy cánh tay giơ lên. Tôi đã bắt đầu thở phào nhẹ nhõm nhưng sự run sợ trong mình vẫn còn. Lần cuối cùng cô hỏi:
– Cô hỏi lại lần cuối, những ai muốn tha thứ cho bạn ấy thì giơ tay lên?
Sau câu hỏi thứ 3 này có vẻ như nhiều bạn đã cảm thấy động lòng và quyết định tha lỗi cho tôi, nhưng ở đâu đó vẫn có loáng thoáng mấy bạn như là: Mai Trang, Ánh Ngọc,… vẫn chưa đồng ý vì một lý do nào đó. Phải chăng là sự chân thành của tôi chưa đủ, hay các bạn cảm thấy tôi chưa xứng đáng để tha lỗi? Nghĩ đến đây, tôi đã quyết định xuống dưới để xin lỗi các bạn ý một cách chân thành nhất. Sau một hồi thuyết phúc cùng với sự chân thành trong tôi, các ấy đã quyết định tha lỗi và chấp nhận cho tôi một cơ hội để sửa đổi. Nói đến đây, các bạn cứ nghĩ là xong chuyện ư? Chưa đâu! Cái khoảnh khắc khiến tôi bật khóc và thật sự xúc động và hạnh phúc là đây.
Bởi tôi đã gây ra lỗi lầm nên tôi phải chịu trách nhiệm và trả giá cho việc làm ngông cuồng của mình, chứ không chỉ vì các bạn giơ tay mà tôi được tha. Nếu tôi muốn ở lại lớp thì phải có một bạn tự nguyện lên nhận phạt giúp tôi. Nghe đến đây, không một cánh tay nào giơ lên, chỉ đến lúc cô yêu cầu tôi cầm cặp ra khỏi lớp (lúc đó tôi nghĩ chắc mình toang rồi!) thì ở phía dưới, một cánh tay gầy guộc cùng giọng nói nhỏ nhẹ của Hà Anh vang lên:
– Con chấp nhận chịu phạt thay Hải Bình để bạn ấy được ở lại!
Cô nhìn Hà Anh rồi nói:
– Tại sao con lại chịu nhận phạt thay bạn? Bình thường bạn đâu có quý con đâu!
Hà Anh nhìn tôi rồi nói:
– Con tin sau lần này bạn sẽ hiểu cô ạ!
Rồi cô bạn đó từ từ rời chỗ, bước lên bục giảng, sắn tay áo cao lên và giơ cánh tay về phía cô. Cô An yêu cầu tôi lên cầm tay Hà Anh:
– Con nhớ này! Hôm nay, con đã nhận một ơn huệ từ Hà Anh, cô bạn bằng tuổi con mà có lẽ con không ưa! Nhờ có Hà Anh mà con được ở lại. Hãy đếm đủ từng roi cô vụt Hà Anh.
Cô vừa nói, vừa nhìn thẳng vào mắt tôi không chớp mắt với vẻ mặt nghiêm nghị vô cùng. Nhìn cô, tôi bắt đầu sợ, òa khóc và lo cho Hà Anh bị đánh, tôi thương bạn ấy lắm, nói thật là rất thương bởi lẽ một cô bé tí hon, nhí nhảnh, rất gầy, đến nỗi xương nhiều hơn thịt thì các bạn hiểu rồi, làm sao mà có thể chịu được những cái thước dẻo vụt xuống liên tục trong tiết trời gay gắt oi ả đến phát điên như vậy được? Nhưng biết làm sao giờ, thánh chỉ đã hạ xuống thì thần dân chỉ biết làm theo thôi ai dám kháng chỉ? Kháng thì các bạn biết hậu quả rồi đấy, hai chữ thôi: “bay màu!”.
Lúc ấy tôi để ý kĩ lắm! Khi nhận tội thay tôi, cô bé ấy không hề tỏ ra sợ sệt, Hà Anh nhìn thẳng vào mắt tôi khiến lúc đó tôi thấy xấu hổ và có lỗi vô cùng. Cô An giơ thước lên, cầm lấy tay tôi và Hà Anh nói:
– Hải Bình! Con hãy đếm này! Một, Hai, Ba…
Những tiếng Đét… Đét… liên tục vang lên, nhưng cô không đánh vào tay Hà Anh, mà ngược lại cô tự vụt liên tiếp vào tay mình. Tôi òa lên khóc như một đứa trẻ bị đánh đòn vì không biết sao cô lại làm như vậy? Tôi đã có lỗi kia mà? Sao cô không đánh tôi?… Đầu óc tôi còn chưa kịp định hình thì cô quay sang Hà Anh:
– Cảm ơn con vì đã giúp các bạn hiểu được bài học của lòng khoan dung, sự tha thứ,…
Còn cô nhìn tôi:
– Hải Bình, cô không có lí do gì để vụt Hà Anh cả, con có lỗi và cô là GVCN của con, cô cũng có một phần trách nhiệm, lần này cô sẽ nhận hình phạt thay cho con! Nhưng con hãy nhớ ơn huệ chỉ đến một lần thôi mà sẽ không bao giờ có lần thứ hai!
Cô tiếp tục cầm tay tôi rồi vụt vào tay cô “Bốn, năm, sáu,..”. Tim tôi đập nhanh quá còn mặt tôi thì đỏ bừng lên. Tôi sai, tôi sai thật rồi! Tôi đã gào khóc như một đứa trẻ:
– Con xin lỗi cô! Lỗi tại con, cô không có lỗi ạ! Con xin lỗi!…
Một câu nói, một hành động hết sức giản dị nhưng điều đó lại càng chứng tỏ một điều rằng cô yêu thương chúng tôi đến nhường nào! Tình yêu đó lớn đến mức cô sẵn sàng chịu đựng những đắng cay khổ cực, những thiệt thòi nhất để hi sinh, che chở, bảo vệ cho chúng tôi như cái cách mà những đấng sinh thành của chúng ta vẫn làm vậy! Bốn năm qua, sự việc ngày hôm đó vẫn như in hằn, khắc sâu trong tâm trí để đến khi nhớ lại tôi vẫn thấy trái tim mình thổn thức, nhói đau. Sự hi sinh đó đã dạy cho chúng tôi một bài học vô cùng ý nghĩa về tấm lòng “nhân hậu, bao dung”, một cơn mưa nước mắt của lớp tôi cũng bắt đầu từ đây!…
CHƯƠNG IV: MỘT SỰ HI SINH CAO CẢ, PHI THƯỜNG ĐẾN LẠ KÌ!
Qua hôm đó tôi nhận ra rằng: hạnh phúc của tôi đơn giản lắm. Nó chỉ đơn thuần là sự chấp nhận tha thứ của các thành viên trong lớp qua những điều tồi tệ mà tôi đã gây ra. Sau sự kiện động trời hôm đó, mọi chuyện lại trở về trạng thái bình thường như nó vốn có, thời gian cứ thế trôi qua một cách thật đặc biệt và khiến tôi luôn ghi nhớ trong lòng. Bởi lẽ khi học ở Pascal, đối với tôi mỗi ngày học là mỗi ngày vui, là ngày mà đầy ắp những tiếng cười và kỉ niệm của tuổi học trò. Và không biết các bạn ở đây khi học tại Pascal thích nhất là hoạt động gì? Riêng tôi, một cậu học sinh năng động và đầy cá tính thì tôi nghĩ rằng hoạt động mà mình thích nhất là 26/3. Bởi lẽ vào ngày đó tôi như là được chính mình, tôi được chạy trên sân cỏ, được đá bóng, được làm những điều mình thích. Không những thế năm đó tôi đã đạt được danh hiệu mà mãi đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ và coi trọng nó đó chính là: “VUA PHÁ LƯỚI KHỐI 6” – một danh hiệu mà tôi đã phải nỗ lực suốt cả mùa giải để có được. Lúc đó, lên nhận giải tôi cảm thấy hạnh phúc lắm, một niềm hạnh phúc khó mà có thể diễn tả bằng lời. Trong đầu tôi lúc bây giờ chỉ biết thầm cảm ơn bố mẹ vì đã cho tôi học ở một môi trường tốt đến như vậy!
Và rồi thời gian thấm thoát thoi đưa, vèo một cái tôi đã lên lớp 8. Ảo thật đấy! Chắc các bạn đang nghĩ: “Ở lớp 7 đâu tại sao không có lớp 7 chắc thằng này lại làm chuyện gì mờ ám nữa chứ gì? Tưởng thế nào!”.
Cũng đúng, nhưng nó cũng chưa hẳn, bởi lẽ đối với tôi năm lớp 7, nó là một năm tôi không nhớ nhiều còn tội lỗi của tôi thì lúc nào cũng thế. Chỉ có các bạn là trưởng thành còn tôi vẫn vậy nên tôi quyết định dừng bút lại một năm và nhảy cóc lên lớp 8 – năm học mà tôi đã lập ra được nhiều lịch sử nhất mà không một anh chị khóa trước nào có đủ khả năng thể làm được. Lịch sử gì á? Dễ lắm! Số lần vi phạm trong sổ kỉ luật của nhà trường trong một kì đã đạt được 2 môn lần 5, một môn lần 6, đặc biệt hơn cả là tổng số lần vi phạm của tôi đã đạt lên được con số 40. Một con số có thể nói là sự “nỗ lực” của tôi suốt một học kì và tôi mong rằng kỉ lục của tôi là đầu tiên và cũng là duy nhất. Hi vọng rằng các em khóa sau sẽ chỉ bằng 1/10 của tôi và mãi mãi là như vậy. Và rồi năm ấy cứ thế qua đi với biết bao thăng trầm, buồn có, vui có, khóc có hay thậm chí là hạnh phúc cũng có. Nói chung là hầu như tất cả mọi cung bậc cảm xúc của năm ấy, tôi đều đã được trải qua.
Tôi vẫn thường nghĩ, có lẽ hành trình học cấp 2 của mỗi chúng ta được ví như một cuộc thi “Đường lên đỉnh OLYMPIA” vậy. Bởi lẽ lớp 6 là năm mà chúng ta tham gia phần thi “Khởi động”. Lớp 7 là thời điểm chúng ta vượt qua vô vàn khó khăn, bỡ ngỡ của những năm đầu cấp, cho nên không có gì bất ngờ khi chúng ta coi năm học thứ hai là phần thi “Vượt chướng ngại vật”. Còn đối với năm lớp 8, là thời điểm chúng ta bắt đầu tập trung học để có những cái gốc và nhanh chóng chuẩn bị tinh thần vào lớp 9 nên nó được coi là “Tăng tốc”. Cuối cùng, năm lớp 9 là thời điểm quan trọng nhất, thời điểm mà chúng ta dồn toàn bộ sức lực, trí não, thời gian, tiền bạc để hướng tới một kết quả tốt đẹp trước bước ngoặt cuộc đời mang tên: “Cấp 3”. Và đó là chặng cuối cùng, “Về đích”.
Rồi cái gì đến cũng sẽ phải đến, tôi phải bước vào kì thi năm cuối cấp với gần 300 ngày ở bên các bạn, một quãng thời gian không dài nhưng đủ để chúng tôi hoàn thiện những dòng cảm xúc của bản thân nói riêng hay của tập thể K8B nói chung, mà suốt 3 năm qua chúng tôi vẫn chưa hoàn thiện được. Đầu năm, ngay ngày đầu tiên đi học cô Nguyễn Hoàng Bình An đã dạy cho chúng tôi cách lên mục tiên và định hướng cho riêng mình để tránh cho tôi lầm đường lạc lối suốt chặng đường còn lại. Mặc dù bà tiên chẳng hiền như xưa, ngoài những lúc vui vẻ, kute, dễ tính thì cô nghiêm khắc vô cùng, sự nghiêm khắc đó tăng dần theo quá trình trưởng thành của chúng tôi từ lớp 6 lên lớp 9 và kèm theo đó là sự khó nhọc cũng tăng lên bộ phần. Nhiều khi cô chỉ cần nhìn hay “vẽ mây nẩy trăng” một cái là tôi hiểu ý ngay rồi!…
Nhưng tôi vẫn nhớ, vẫn “tâm phục, khẩu phục” những cách giải quyết và hành xử của cô, mặc dù nó có nghiêm khắc đến nhường nào đi chăng nữa, bởi suy cho cùng tất cả đều là vì yêu thương chúng tôi. Vậy nên quãng thời gian này, tôi cùng cả lớp đã học hành thật chăm chỉ, nghiêm túc với đầy lòng quyết tâm cao độ để thi vào cấp 3, cho đến những hoạt động của nhà trường. Đặc biệt là chương trình “Nhịp điệu trẻ“ – cuộc thi đồng đội mà chúng tôi được thỏa sức thể hiện tài năng sau những giờ ôn thi căng thẳng. Một sự thật rằng, năm nay chúng tôi chỉ tập đúng một tuần nhưng rất bài bản, nghiêm túc, đoàn kết, sau đó lên sân khấu biểu diễn luôn và một kết quả vô cùng bất ngờ là lớp tôi đã đạt giải Quán quân. Đó là một danh hiệu vô cùng cao quý mà bất cứ ai cũng đều muốn đạt được. Xong xuôi mọi chuyện thì chúng tôi là bị cuốn vào guồng quay học tập tại trường.
Và, yên bình chẳng được bao lâu thì biến thể của Covid-19 xuất hiện và chúng tôi bắt buộc phải học online theo công văn của Sở GD và ĐT. Đây cũng chính là thời điểm mà tôi cảm thấy khó khăn nhất trong suốt quá trình ôn luyện, bởi lẽ vào thời điểm này tinh thần tự giác học tập của tôi đã không được đẩy lên cao. Tôi bị những thứ vô bổ cám dỗ và rồi cứ thế, cứ mỗi tiết học online tôi lại ngủ, bài tập thì làm đối phó, hay thậm chí là không làm, trốn học, khiến cho bố mẹ và thầy cô rất phiền lòng. Cho đến giai đoạn cuối cùng này – thời điểm nước rút, tôi dường như đã nhận ra điều gì đó sau những lời khuyên nhủ của cô An, Cô Yến, Thầy Xuân, Bố Mẹ. Và người tác động đến tôi nhiều nhất đó chính là cô bạn 3 năm trước đã giúp tôi tránh một kiếp nạn – Nguyễn Hà Anh – người mà đã động viên, an ủi, chỉ bảo, giúp đỡ tôi tận tình ngay cả lúc mà tôi chán nản nhất.
Thời gian cuối này tôi như một con người khác vậy, tôi lao đầu vào học tập, có khi còn quên cả ăn, tôi học Toán, học Văn, học Sử, học Tiếng Anh một cách nghiêm túc và đầy tự giác. Và thật may mắn rằng nỗ lực của tôi đã được đền đáp một cách xứng đáng khi tôi đã đạt được mục tiêu mà mình đề ra, đó chính là đỗ vào ngôi trường mà tôi hằng mơ ước – THPT Bắc Thăng Long. Lúc này tôi vui lắm, tôi tự nhủ rằng dù sau này tôi có đi bất cứ đâu, có là bất cứ là ai thì tôi sẽ mãi không bao giờ quên những người thầy, người cô, hay là những người bạn đã giúp đỡ tôi vượt qua thời điểm khó khăn nhất của tôi mang tên: “Bước ngoặt cuộc đời” – thứ mà tôi trong suốt kì nghỉ dịch phải lo sợ và ngại ngùng khi đối mặt với chúng.
Vậy là suốt 4 năm cấp 2 của tôi đã trải qua như vậy đấy, nó trôi qua một cách đặc biệt với biết bao tháng ngày thăng trầm, buồn có, khóc có, vui có, giận có và cả Hạnh phúc ngập tràn cũng có. Và cuối cùng tôi đã tìm ra được câu trả lời mà tôi đã băn khoăn suốt 4 năm qua khi tôi còn là một đứa trẻ lớp 5 với chủ đề: “Hạnh phúc là gì ?”.
Theo ý kiến của ai thì tôi không biết nhưng bản thân tôi thì hạnh phúc đơn giản lắm. Nó xuất phát, hiện hữu từ những điều vô cùng giản đơn, bình dị hằng ngày, xung quanh ta, những khoảnh khắc đời thường nhưng vô giá như được ở bên bạn bè, cha mẹ, thầy cô, những người mà mình yêu thương, hay được ăn một bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình, được chơi một ván game, được đến trường học, được nhìn thấy ánh mặt trời, được cùng mấy cậu bạn trong lớp đi vệ sinh cùng nhau hay thậm chí là cùng các bạn xuống Ban Sự kiện – Truyền thông lập biên bản kỉ luật chẳng hạn,… Tất cả đều quý giá cả!
Và giờ đây tôi thật sự rất Hạnh phúc khi được ngồi để viết những dòng tâm sự này vì đã thực hiện được mục tiêu trước mắt của cuộc đời mình.
“Cô ơi! Con đỗ rồi! Dưa Xào Cải Bò của cô đã làm được rồi! Cô có vui không cô? Chắc là cô vui lắm nên cô đừng khóc nữa nhé! Cô khóc là trông xấu lắm, chẳng đẹp tí nào! Cô yên tâm “cậu con trai tốn nhiều giấy mực” sẽ trưởng thành rồi trở về sớm thôi nên cô đừng nhớ con và các bạn quá nhé!…”
Cuối cùng, cảm ơn cô An, bà tiên của tôi và các bạn! Cảm ơn gia đình K8B và ngôi trường huyền thoại mang tên THCS Pascal đã đồng hành cùng với tôi suốt 4 năm qua. Cảm ơn vì đã giúp tôi tìm ra được đáp án cho chính mình, cảm ơn vì tất cả những điều giản dị mà vĩ đại, tuyệt vời nhất mà nơi đây đã dành cho tôi. Cảm ơn thầy cô vì đã tôi luyện một Hải Bình ngang ngược, xốc nổi với quá nhiều khuyết điểm để biết nhận ra lỗi lầm và trưởng thành như ngày hôm nay.
Xin lỗi và Cảm ơn mọi người rất nhiều!…
Thật Hạnh phúc khi tôi được là một phần của K8B!
Mãi yêu!…
02462927304 Đăng ký học