ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC – GIỚI THIỆU VỀ CUỐN SÁCH “KHÔNG GIA ĐÌNH”
Xin mời Quý bạn đọc đến với bài dự thi của bạn Bùi Hoàng Nam (học sinh lớp 8D Khóa 9). Hoàng Nam sẽ lựa chọn giới thiệu về cuốn sách “Không gia đình” của tác giả Hector Malot.
Thả tim và chia sẻ bài viêt đáng yêu này nhé cả nhà ơi!!!
…
Trong cuộc đời của mỗi người, hẳn có lẽ đã trải qua ít nhất một lần vấp ngã và rồi quay đầu lại thấy có cha, có mẹ, có gia đình đứng phía sau dang rộng vòng tay đón ta trở về, sưởi ấm tâm hồn ta bằng tình yêu thương. Mỗi lần như vậy, ta lại càng thêm trân quý hơn tình thân, gia đình. Vì ngoài kia còn biết bao số phận nghiệt ngã, phải bơ vơ lạc lõng và điển hình là câu chuyện về cậu bé Rêmi trong cuốn tiểu thuyết “Không gia đình” của nhà văn Hector Malot.
Hector Malot (20/5/1830 – 17/7/1907) là nhà văn nổi tiếng người Pháp. Trong cuộc đời nghệ thuật ông đã sáng tác trên 70 tác phẩm, trong đó có: “Romain Kalbris” (1869), “Trong gia đình” (En Famille 1893) và “Không gia đình” (Sans Famille 1878) là các tác phẩm dành cho thiếu nhi thu hút nhiều thế hệ độc giả đón đọc.
“Không gia đình” được coi là tác phẩm nổi tiếng và có sức lan tỏa nhất của thi hào người Pháp. Tác phẩm đã được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp. Nhiều nước trên thế giới đã dịch lại tác phẩm và xuất bản nhiều lần. Từ một trăm năm nay, “Không gia đình” đã trở nên quen thuộc đối với thiếu nhi Pháp cũng như trên toàn thế giới.
Cuốn sách kể về một cậu bé tên Rêmi lớn lên trong làng Savanong – một ngôi làng cằn cỗi và nghèo khó miền trung nước Pháp. Tuy nghèo nhưng Rêmi ngoan ngoãn và luôn nhận được tình yêu thương từ mẹ của mình (má Bacbơranh). Cho tới một ngày, biến cố ập tới với cuộc đời cậu khi người cha nhiều năm không gặp bỗng chốc quay trở về và khẳng định một sự thật rằng người mẹ luôn yêu thương che chở cậu, lại không phải mẹ đẻ và hiện giờ gia đình Bacbơranh đang túng thiếu sau tai nạn lao động của người cha và họ hoàn toàn không có khả năng nuôi cậu nữa. Thay vì đưa cậu vào trại trẻ rơi, họ bán cậu cho một “ông bầu” nghề xiếc là cụ Vitali. Từ đó, cuộc hành trình đầy khổ cực nhưng không ít nụ cười của Rêmi chính thức bắt đầu.
Mỗi chương chuyện lại là một tình huống nhỏ, với những thách thức, bài học và cũng là hàng tấn bi kịch chồng chất. Cũng có khi những đau đớn, mất mát lại được dâng lên cao trào mở ra bức tranh sắc nét nhưng lại tối tăm, khiến người đọc hòa mình vào nhân vật. Đến đây, chúng ta lại nghĩ về bản thân những năm 8 hay 9 tuổi, chúng ta vẫn còn được cha mẹ chăm nom từng bữa ăn, giấc ngủ, không phải lao động hay chịu bất cứ cực khổ gì nhưng với tuổi thơ của Rêmi lại là rong ruổi trên khắp các nẻo đường nước Pháp để mua vui cho thiên hạ. Khi may mắn, Rêmi cùng với cụ Vitalis và những con vật cũng chính là những người bạn được ăn no thêm một chút, nhưng khi chẳng có ai xem xiếc thì đến tiền trọ cũng chẳng có để trả.
Tuy nhiên, trong khổ cực, gian lao Rêmi đã gặp được người thầy tốt! Cụ Vitali dạy Rêmi học đọc, viết, học hát, chơi đàn nhưng hơn cả, cụ đã dạy cho Rêmi cách sống, nhân phẩm đáng quý. Người thầy ấy đã cải hóa tầm nhìn của một cậu bé thôn quê (xưa nay chỉ thấy người ta đánh mắng động vật), bằng những hình ảnh đẹp khi chỉ bảo, dạy dỗ chú chó Capi hay kiên nhẫn với chú khỉ mất tập trung Giôlicơ. Tình yêu thương nhưng cũng có lúc rắn rỏi và cương quyết của cụ Vitali đã thành công khi rèn luyện cho Rêmi bài học về tính tự lập và ý chí sắt đá: “Và con cũng nên hiểu rằng bây giờ con đang ở bậc thang dưới cùng của xã hội, nếu con quyết tâm con có thể dần đạt được bậc cao hơn!”. Đây là bài học quý giá về cuộc đời không chỉ riêng cho Rêmi mà còn cho chính người đọc: Không quan trọng ta đang ở bất cứ vị trí nào, chỉ cần có ý chí, ước mơ và tin tưởng vào bản thân thì nhất định sẽ tiến xa hơn và đạt tới vinh quang. Đồng thời tác giả cũng vẽ nên bức tranh về cuộc sống cơ cực, bần hàn của người lao động trong xã hội xưa cũ. Cụ Vitali là một nhân vật khá đặc biệt. Tuy chẳng phải máu mủ ruột thịt nhưng cụ đã luôn dành cho Rêmi tình yêu thương, hơi ấm, cơ hội và nguồn sống, luôn bảo vệ cậu, chấp nhận hi sinh cả tính mạng vì cậu. Có một người thầy như vậy trong cuộc đời, dù có khó khăn Rêmi vẫn rất hạnh phúc.
Tình bạn cũng là vấn đề được nhắc đến xuyên suốt tác phẩm. Từ phần mở đầu có ngôi làng Savanong nghèo khó, chú bò sữa Russet là nguồn cung cấp thực phẩm và cũng là người bạn duy nhất của mẹ con nhà Bacbơranh. Độc giả hoàn toàn có thể nhìn thấy được nỗi đau của hai mẹ con khi phải bán Russet. Rồi đến khi vào gánh xiếc, bạn của Rêmi còn nhiều hơn: Chó Capi, khỉ Giôlicơ,… Cùng nhau lắng nghe, cùng chia nhau từ những miếng bánh mì đến những gian khó cuộc đời – đó chính là chân lí tri kỉ. Tình bạn không chỉ là giữa người với người mà còn là người với loài vật. “Không gia đình” đã làm xuất sắc việc truyền tải đến người đọc tình yêu động vật và hàng loạt chân lí, tư tưởng hợp thời.
“Không gia đình được” kể theo ngôi thứ nhất, trên cương vị là một người trưởng thành, từng trải nhưng cũng đan xen sự hồn nhiên của Rêmi những năm 8, 9 tuổi. Với lối suy nghĩ tân tiến, những bài học từ cuốn sách được đông đảo các vị phụ huynh sử dụng để giáo dục con cái.
Sau khi đọc tiểu thuyết “Không gia đình’’, em cảm thấy đây là tác phẩm có giá trị nhân văn cao, đề cao tinh thần bền bỉ chịu khó, chịu khổ của người lao động, đồng thời tác giả cũng khích lệ tình bạn chân chính, lòng nhân ái và ý chí vượt lên không ngừng nghỉ. Cuốn sách giúp em thêm yêu cuộc sống, gia đình, bạn bè, trân quý hơn những thứ đang có và biết giữ vững lập trường ước mơ của mình trong mọi hoàn cảnh. “Không gia đình” là một cuốn sách hay, rất đáng để đọc trong đời!
Câu 2. Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, em có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và đọc sách nhiều hơn?
Nếu may mắn được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, đây sẽ là vinh dự lớn một đối với em. Mang trên mình một trách nhiệm cao cả như vậy em sẽ có thể thực hiện ý tưởng đã nhen nhóm trong mình bấy lâu đó là làm các video để giới thiệu về nội dung chính, ý nghĩa của từng cuốn sách. Sau đó, chia sẻ lên các trang mạng xã hội để có nhiều người xem được biết được sơ lược về nội dung chính của cuốn sách mà không thấy rõ toàn bộ tình tiết truyện từ đó khơi dậy sự tò mò của mọi người, họ sẽ tìm đọc những cuốn sách ấy và dựng nên thói quen đọc sách.
Tại trường THCS Pascal em đang theo học, cũng có “Ngày hội sách”. Tại đây chúng em có thể cùng nhau chia sẻ về những cuốn sách đã được đọc, em thấy đây cũng là một ngày hội đáng để cho các trường THCS khác có thể học hỏi và làm theo. Không chỉ vậy, các cuộc thi như “CUỘC THI ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC” cần được khuyến khích tổ chức nhiều hơn để những người yêu sách như chúng em có thể tự do bày tỏ cảm nghĩ của bản thân.
Sách là kho tàng tri thức, đừng tiếc ba mươi phút để đọc sách mỗi ngày nhé!
(Nguồn ảnh: dep.com.vn)