https://pascal.edu.vn/wp-content/uploads/2021/06/BANNER-4-03.jpg

ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC – BỘ TRUYỆN “HARRY POTTER”

Xin mời Quý bạn đọc đến với bài dự thi của bạn Hà Lê Vân Anh (học sinh lớp 7B Khóa 10). Vân Anh sẽ lựa chọn giới thiệu về bộ truyện “Harry Potter” của tác giả J. K. Rowling nhé!
Thả tim và chia sẻ bài viết đáng yêu này nhé cả nhà ơi!!!
 
“Mọi người vẫn có thể tìm thấy hạnh phúc, ngay trong những giờ phút u ám nhất cuộc đời họ, chỉ cần họ nhớ thắp lên ánh sáng”.
“Vấn đề không phải là một người đã được sinh ra như thế nào, mà là họ đã lớn lên ra sao”.
“Dù chúng ta đến từ những nơi khác nhau, nói không cùng một ngôn ngữ, nhưng trái tim chúng ta hòa chung nhịp đập”.
Đó là những câu nói truyền đầy cảm hứng từ nhân vật tôi yêu thích nhất, giáo sư Albus Dumbledore trong “Harry Potter”.
Tôi biết đến “Harry Potter” qua một lần tìm hiểu về Stephen Kings. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết đến một bộ truyện được Stephen đánh giá rất cao như vậy: “Bộ truyện là một “truyện thần kỳ huyền bí và sâu sắc”, và mỗi tập truyện đều được dựng nên theo kiểu của những cuộc phiêu lưu bí ẩn như phong cách của “Sherlock Holmes”. Những tập truyện đều để lại những manh mối ẩn giấu trong lời kể, mà các nhân vật đều theo đuổi những mối nghi ngờ khác nhau xuyên suốt nhiều địa điểm đẹp lạ lùng, dẫn đến một kết thúc bất ngờ thường đảo lộn những gì mà các nhân vật vẫn tin là đúng,…”.
Một câu chuyện theo chủ đề giả tưởng về phép thuật – một chủ đề mà có rất ít tác phẩm được đánh giá tốt mà Stephen Kings thì lại không mấy hứng thú với những câu chuyện như vậy. Nhưng bạn biết đấy, nếu bộ sách có thể chinh phục một người khó tính như Stephen Kings, thì tôi rất muốn đọc thử rằng tác phẩm nào lại lợi hại đến vậy.
Câu chuyện kể về Harry – cậu bé sống sót duy nhất sau lời nguyền chết chóc của chúa tể hắc ám Voldemort và hành trình đánh bại tên Voldemort. Mỗi phần truyện là một năm học, ̣hầu hết diễn ra ở trường đào tạo Phù Thủy và Pháp Sư Hogwarts. Harry đã vượt qua nhiều phép thuật khó khăn, trở ngại của xã hội và thay đổi của cảm xúc trong thời thiếu niên đầy khó khăn của mình. Cậu cũng dũng cảm chống lại quyền lực ngày càng lớn mạnh của Voldemort và sự phủ nhận dai dẳng của Bộ Pháp thuật về sự trở lại của Voldemort.
J.K.Rowling – tác giả của bộ tiểu thuyết huyền thoại này – đã khắc họa bộ truyện một cách tinh tế qua góc nhìn nhiều chiều của ngôi thứ ba. Bà đã thành công trong việc vẽ nên một thế giới kỳ ảo đầy màu sắc, mang đậm chất “thật”. Từ những ngôi làng, những địa điểm phép thuật bí mật và cả ngân hàng dành riêng cho phù thủy. Đặc biệt nhất là ngôi trường Hogwarts – nơi diễn ra hầu hết các sự kiện quan trọng xuyên suốt bộ truyện. Tất cả đều được Rowling viết lên một cách sắc sảo qua ngòi bút của mình. Từng chi tiết nhỏ như những bức tường gạch, mùi hương, những bậc cầu thang và thậm chí là cảm nhận khi bước chân vào một địa điểm sẽ khiến cho cả thế giới ấy hiện lên trong tầm mắt của bạn. Chúng đẹp một cách lạ lùng, đôi khi lại thật quen thuộc và có khi lại rất nguy hiểm.
Như Stephen Kings đã nói: “Bộ truyện là một “truyện thần kỳ huyền bí và sâu sắc”, và mỗi tập truyện đều được dựng nên theo kiểu của những cuộc phiêu lưu bí ẩn như phong cách của Sherlock Holmes”. Những manh mối cho từng chi tiết được ẩn giấu trong những chi tiết nhỏ, từ lời thoại của nhân vật đến những chuyện thường ngày xảy ra. Để rồi khi các nhân vật theo đuổi những nghi ngờ của họ, sự thật lại có những pha “bẻ lái” đầy ngỡ ngàng, khiến cho độc giả thêm phần hồi hộp cùng nhân vật và đôi khi là ta cũng sẽ mập mờ đoán ra những chi tiết được ẩn giấu kỹ lưỡng ấy. Đó có thể là gợi ý cho những phân đoạn cao trào, hoặc chính là một chi tiết quan trọng cho những phần tiếp theo.
Nếu như trước đây, phù thủy là từ dùng để chỉ những người nguy hiểm, mang trong mình những năng lực đặc biệt liên quan tới ma thuật hắc ám hoặc là những người đặc biệt và có những sứ mệnh riêng hay là những bà dì mũi khoằm da xanh xấu xí thì “Harry Potter” đã tạo ra một thế giới hoàn toàn khác. Nơi mà có rất nhiều phù thủy cùng tạo nên một xã hội, sống như những người bình thường trước mặt dân Muggel và được kiểm soát chặt chẽ bởi Bộ Pháp thuật, nơi mà có những nghề nghiệp, những ngôi trường,… chỉ dành cho phù thủy. Cùng với đó, đồng hành cùng độc giả cũng là những nhân vật đầy sắc thái. J.K.Rowling đã vô cùng tâm huyết trong việc thiết kế các nhân vật, từ ngoại hình cho tới chiều sâu của họ, tất cả đều được bà chú trọng trong từng chi tiết. Ví dụ như màu tóc đỏ và những tàn nhang đặc biệt của gia đình Weasly, hai chiếc răng thỏ và sự nữ tính của cô nàng Hermionie mọt sách và đặc biệt là tính cách cứng đầu và ngoại hình như người ba của Harry,…
Và như tất cả những tác phẩm thành công khác, “Harry Potter” có những bài học đặc biệt ý nghĩa. Những bài học này bắt nguồn từ chiều sâu của một nhân vật nào đó, từ những câu thoại của những nhân vật đầy ưu tú hay ẩn sau những chi tiết quan trọng và những tình tiết quen thuộc.
Có thể nói đến những bài học lớn như: Tình yêu là sức mạnh lớn nhất và không gì có thể đánh bại tình yêu cả. Điều này được vị phù thủy trắng vĩ đại – giáo sư Albus Dumbledore nhắc đến liên tiếp trong 7 phần sách với Harry. Hay sức mạnh từ chính tình yêu của người mẹ đã cứu sống Harry đến hai lần. Một lần là mẹ cậu đã hi sinh để cứu cậu khỏi lời nguyền chết chóc của Voldemort, lần còn lại là mẹ của Draco Malfoy đã nói dối với chúa tể rằng Harry đã chết, để hắn dẫn đoàn quân đi tới chiến trường, nơi bà có thể gặp con trai của mình. Hay về bài học của sự tin tưởng vào bạn bè. Chính tình bạn là thứ đồng hành cùng Harry trong suốt những trận chiến của mình. Nếu không có những người bạn tuyệt vời như Hermionie và Ron, Harry có lẽ sẽ không thể sống sót qua bao giông bão. Và nếu không có đoàn quân Dumbledore cùng nhau chiến đấu, có lẽ chiến tranh phù thủy sẽ kết thúc với chiến thắng của Tử Thần Thực Tử. Hoặc là bài học đắt giá về nỗi sợ cái chết mà ta học được từ tên phản diện Voldemort, chỉ vì ham muốn bất tử, hắn sẵn sàng giết người và phân chia linh hồn của mình thành nhiều mảnh. Và kết cục của hắn cuối cùng là không sống mà cũng chẳng chết, hắn tồn tại bơ vơ giữa ranh giới của cái chết dưới hình hài của một thứ nhỏ bé, thoi thóp và đáng thương, chẳng ai có thể giúp gì cho hắn nữa cả. Vậy tại sao ta lại không sống một cách có ích, sống để chẳng có gì hối hận, để đến cuối cùng, ta hoàn toàn có thể chấp nhận cái chết một cách dễ chịu nhất? Như cách mà Dumbledore đã nói: “Sau cùng, với những bộ não có tổ chức, thì cái chết cũng chỉ là cuộc phiêu lưu khác mà thôi”.
Với một bộ sách 7 phần, J.K.Rowling đã lồng ghép rất nhiều câu chuyện ý nghĩa, những nhân vật đầy chiều sâu và những bài học đắt giá. Vậy tại sao bạn lại không thử trải nghiệm cảm giác cầm cuốn sách lên và tưởng tượng về một thế giới thần kỳ với những sinh vật huyền bí và những địa điểm tuyệt đẹp qua “Harry Potter” chứ? Mình mong rằng bộ sách cũng có thể thay đổi những suy nghĩ của bạn về “sách”, cũng như giúp bạn có hứng thú với những trang sách hơn nhé! Bởi dù gì thì “Sách có thể cứu rỗi cả cuộc đời bạn” đấy!
 
Nếu được chọn là Đại sứ văn hóa đọc, em có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và đọc sách nhiều hơn?
Hiện nay, dưới sự tác động của những thiết bị điện tử, mọi người đang dần chìm đắm vào thế giới ảo, những màn hình đầy ánh sáng xanh và không mấy ai còn nhớ tới “sách”.
Đối với nhiều người, sách rất nhàm chán, những con chữ không thể cuốn hút bằng những video, truyện tranh,… Vì thế mà ta cần thay đổi những suy nghĩ ấy của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Vậy, ta cần bắt đầu từ đâu?
Nếu được chọn làm đại sứ văn hoá đọc, mình nghĩ rằng, đưa “sách” vào môi trường giáo dục – trường học là phương án đầu tiên, giúp học sinh được tiếp xúc nhiều hơn với những câu chuyện, những bài học. Như thế sẽ giúp cho mọi người có những ấn tượng đầu tiên với sách. Thêm vào đó, nhà trường cũng nên đưa ra những kế hoạch và mục tiêu đọc sách cho học sinh như một bài tập tự chọn.
Không chỉ vậy, gia đình và cha mẹ cũng nên tìm hiểu và cùng con đọc những cuốn sách hay và được đánh giá tốt vì khi có người cùng đồng hành và sẻ chia, chúng ta sẽ rất kiên trì trong những hoạt động cùng họ đấy.
Mình nghĩ rằng, việc tận dụng những công nghệ truyền thông cũng có thể giúp mọi người chăm đọc sách hơn đấy. Chúng ta nên và đang có những app đọc sách online, việc tuyên truyền về những điều tốt đẹp và cách phân biệt sách hay, sách thật hay sách giả trên những phương tiện truyền thông cũng là một điều tuyệt vời. Hay tổ chức những hoạt động như “Đại sứ văn hóa đọc” đây, giúp cho chúng mình được nêu lên cảm nhận và suy nghĩ của bản thân về một cuốn sách yêu thích cũng phần nào giúp những người đọc được có thêm hứng thú với những cuốn sách mà ta đã không chú ý đến.
Vậy nên, để khuyến khích mọi người đọc sách, ta nên để mọi người tiếp cận sách một cách đầy quen thuộc và chậm rãi bởi “thói quen không thể tạo nên chỉ trong ngày một, ngày hai” được.
 
(Nguồn ảnh: internet)
02462927304 Đăng ký học