Học để đi thi hay thêm yêu Lịch sử?
Tiếp nối chương trình lan toả và chia sẻ các ý tưởng dạy học đổi mới, sáng tạo đến các đồng nghiệp, TS. Hoàng Thanh Tú-Cố vấn chuyên môn nhà trường có một số tiết dạy ở các lớp, trước hết là lớp 9B và 9C.
Mục đích của các tiết dạy này là hướng dẫn các bạn nhỏ vừa học để ôn thi theo hình thức thi trắc nghiệm vừa có cảm xúc và cảm nhận được ý nghĩa của Lịch sử đối với cuộc sống.
Điều này cũng nhằm giải đáp băn khoăn của rất nhiều thầy cô trong các lớp học “Thay đổi phong cách dạy học” của cô ở trường THCS Pascal thời gian qua, đó là: Làm thế nào để dạy hết các nội dung ôn thi theo các phương pháp đổi mới? Kì thi theo kiểu trắc nghiệm là một trở ngại áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới, tích cực hoá học sinh của các giáo viên hiện nay.
Với mục đích đó, các tiết học của các bạn nhỏ thường được tiến hành theo quy trình như sau:
1. Hoạt động khởi động: Khơi gợi hiểu biết của các bạn nhỏ từ một điều có ý nghĩa trong cuộc sống song lại liên quan chặt chẽ với thời kì Lịch sử được học. Ví dụ: Bắt đầu từ lá cờ Tổ quốc khi dạy về Khởi nghĩa Nam Kì; hay từ bài hát “Diệt phát xít” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi-được chọn làm nhạc hiệu của Đài tiếng nói Việt Nam khi học về Cao trào kháng Nhật cứu nước. Việc quan sát lá cờ, nghe bản nhạc sẽ giúp các bạn nhỏ có thêm cảm xúc về sự kiện lịch sử được học trong bài, sẽ thấy học lịch sử là rất ý nghĩa.
Các bạn học sinh chăm chú lắng nghe bài hát “Diệt phát xít” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trong phần khởi động của giờ học
2. Hoạt động đọc hợp tác: Khi các thầy cô đã soạn Đề cương tóm tắt cho môn học thì việc hướng dẫn học sinh biết cách đọc, gạch chân những chỗ chưa hiểu trước ở nhà (hay trên lớp) là rất cần thiết. Giáo viên sẽ không mất nhiều thời gian giảng giải mà chỉ cần tập trung vào những điểm học sinh chưa hiểu. Trong thực tế triển khai cho thấy học sinh đọc và đã tự hiểu được 2/3 thậm chí là hầu hết các nội dung chính của bài học. Trên lớp, cách nhanh nhất để biết các phần học sinh chưa hiểu đó là việc giáo viên hướng dẫn đọc đồng thanh và có điểm nhấn: một bạn học sinh (hoặc lần lượt mỗi bạn đọc một câu) đọc to trước lớp, các bạn khác sẽ đọc đồng thanh những từ/cụm từ hoặc ý chưa hiểu.
3. Hoạt động đọc có điểm nhấn
Học sinh đọc và gạch chân những từ/cụm từ chính/quan trọng là cơ sở để tóm tắt nội dung toàn bài. Ở lần đầu áp dụng cách đọc này, học sinh có thể sẽ lúng túng, có thể chọn nhiều từ trong một câu… Khi ấy, trong vai trò là người hỗ trợ, giáo viên có thể trao đổi và hướng dẫn các bạn chọn từ quan trọng nhất hoặc xếp theo thứ tự ưu tiên từ nào cần nhớ hay không thể quên.
Đối với những lớp chậm hơn, giáo viên có thể định hướng luôn các từ khoá cần nhớ để có thể tóm tắt bài học hay chủ đề. Với những bài có nhiều nội dung, việc chia nhỏ theo các chủ đề cũng là một giải pháp “cứu trợ” để các bạn nhỏ có thể dễ dàng biết cách đọc và tóm tắt thông tin.
4. Khám phá tư liệu
Các tư liệu như: đoạn nhạc, bài hát là nguồn tư liệu âm thanh tạo nên không khí Lịch sử của giờ học; đoạn phim là nguồn tư liệu âm thanh và hình ảnh giúp các bạn học sinh hình dung về sự kiện lịch sử được học; ngoài ra còn có các ảnh tư liệu… định hướng cho học sinh trả lời câu hỏi hay khai thác thông tin liên quan đến bài học, ghi lại từ khoá quan trọng.
TS Hoàng Thanh Tú hướng dẫn các bạn học sinh khai thác thông tin trong tư liệu
5. Trò chơi
Các trò chơi với các hình thức đa dạng là cách ôn tập hiệu quả và mang lại không khí hứng khởi, tạo hứng thú cho người học. Một số trò chơi ôn tập giáo viên triển khai và nhận được sự hào hứng của các bạn nhỏ ở lớp 9B và 9C:
“Đua xe”: với hình thức một cuộc đua xe (trình chiếu trên slide), các đội được chọn màu xe, được phất cờ (lá cờ Tổ quốc) để trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Với mỗi câu trả lời đúng, xe của đội đó đi được một chặng đường (slide trình chiếu). Đội nào trả lời được 5 câu hỏi sẽ về đích trước. Lớp học thực sự rất “náo nhiệt” trong không khí cuộc đua. Vẫn với hình thức này, cuộc đua lại có thể đổi mới bằng cách chia làm 5 đội, mỗi đội một chủ đề, giáo viên đọc nội dung và thuộc chủ đề của đội nào thì đội đó phất cờ. Mỗi lần lựa chọn đúng thì xe của đội đó di chuyển tiếp chặng sau.
Các bạn học sinh trong trò chơi đua xe lớp 9B Khóa 7
“Đối mặt”: với hình thức cuộc thi đối mặt, 2 bạn hoặc 2 đội sẽ chọn từ khoá để đội bạn giải thích, hoặc ngược lại. Nếu bạn nào hoặc đội nào không trả lời được thì thua cuộc và nhường quyền thi đấu cho bạn khác. Hình thức này cũng có thể làm mới theo nhiều cách: chọn từ khoá, đặt câu hỏi và trả lời; chọn hình ảnh để giới thiệu…
Các bạn học sinh tranh luận trong trò chơi “đối mặt”
Trong quá trình thi đối mặt, giáo viên cũng có thể “lôi cuốn” các thành viên trong lớp cứu trợ cho bạn khi cần, điều này giúp cho cả lớp chăm chú vào phần thi và cũng kéo dài thêm phần “đối mặt”.
Các phần thi xuất sắc được khen thưởng, được cộng điểm hoặc thưởng điểm sẽ thêm động lực cho các bạn nhỏ.
Trong các tiết học tiếp theo, khi các bạn nhỏ đã quen hơn với đọc hợp tác và đọc có điểm nhấn, giáo viên sẽ tiếp tục các bước đọc để ghi nhớ logic, để suy luận và có thêm nhiều hoạt động học tập khác giúp các bạn nhỏ học hiệu quả hơn và thêm yêu thích môn học.
Hoàng Thanh Tú- Cố vấn chuyên môn trường THCS Pascal